Tiết giảm chi phí ở PV Power Bắc Kạn

Hoạt động tại một trong những địa bàn nghèo nhất nước, đi lại khó khăn, địa hình, thổ nhưỡng phức tạp nhưng trong 3 năm phát điện chính thức, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Bắc Kạn (PV Power Bắc Kạn) luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Có được kết quả này, theo Giám đốc PV Power Bắc Kạn Đàm Đức Thông là nhờ áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí với phương châm năng suất và hiệu quả, giúp PV Power Bắc Kạn vượt qua khó khăn và bắt đầu có lãi.

 

Dấu ấn tự cường

Thủy điện Nậm Cắt – nhà máy duy nhất tính đến thời điểm này của PV Power Bắc Kạn – nằm ở xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, là nhà máy thủy điện đầu tiên và cũng là công trình có nhiều thăng trầm, biến cố nhất của ngành Dầu khí. Năm 2013, mưa lũ đổ về Nậm Cắt tưởng chừng đã bị xóa sổ khỏi bản đồ thủy điện Việt Nam. Nhưng vượt lên trên tất cả khó khăn, thách thức, Nậm Cắt vẫn đứng vững. Với công suất 3,2MW nhưng Nậm Cắt đã giải quyết tới 1/3 nhu cầu tiêu thụ điện và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng công nghiệp 18%/năm của Bắc Kạn. Theo báo cáo sản xuất – kinh doanh quý I, tổng doanh thu ước tính của công ty ước đạt 3,77 tỉ đồng, đạt 124,5% so với kế hoạch; các khoản nộp ngân sách Nhà nước đạt 516 triệu đồng, bằng 125% kế hoạch được giao…

 PVPowerbacKan

Kiểm tra hệ thống kích từ tại Phòng điều khiển trung tâm Thủy điện Nậm Cắt

Theo Giám đốc Đàm Đức Thông, có được kết quả như trên là do đội ngũ cán bộ, công nhân viên của công ty đã tự chủ được 95% sự cố kỹ thuật, giảm thiểu tối đa số giờ máy nghỉ và tăng giờ phát điện, đồng thời cũng giảm được chi phi thuê đơn vị bên ngoài vào thực hiện các đợt bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ.

Hiện nay, doanh thu của công ty hằng năm được dùng vào việc thanh toán tiền lãi vay ngân hàng (chiếm khoảng 29% tổng doanh thu); chi phí cho khấu hao máy móc (chiếm khoảng 31% tổng doanh thu); chi phí tiền lương (chiếm khoảng 21%) và chi phí vận hành, quản lý nhà máy (chiếm khoảng 19%). Trong số các khoản chi này, chi lãi vay ngân hàng và chi khấu hao là cố định. Vậy nên, ngay từ những ngày đầu phát điện thương mại, công ty đã xác định phải làm sao giảm thiểu tối đa các khoản chi phí trong quá trình vận hành nhà máy, tăng thời gian phát điện, qua đó tăng doanh thu.

“Nguồn thu chủ yếu và lớn nhất của PV Power Bắc Kạn là từ tiền bán điện. Thời gian phát điện càng nhiều thì doanh thu càng lớn. Để thực hiện được điều này, ngay từ những ngày đầu đi vào phát điện thương mại, mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật để từ đó chủ động trong việc khắc phục, sửa chữa các sự cố nhỏ đã được công ty đề ra. Và với mục tiêu rất rõ ràng như vậy, đến nay, hầu hết các sự cố, đợt bảo dưỡng nhỏ, PV Power Bắc Kạn đã chủ động triển khai. Làm được điều này không những giúp công ty chủ động trong việc sửa chữa, tránh thời gian ngừng phát điện ở giờ cao điểm (giờ cao điểm, giá điện được huy động gấp hơn 2 lần so với lúc thấp điểm – PV) mà còn giúp tiết giảm chi phí thuê sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy” – Giám đốc Thông nói.

Được biết, do đặc điểm địa hình, địa chất, đường xá đi lại rất hiểm trở, giá các loại vật liệu như cát, đá, xi măng phục vụ quá trình xây dựng nhà máy rất đắt đỏ. Thậm chí, 1m3 cát ở ngoài thị xã chỉ có giá 200 ngàn đồng nhưng khi đưa vào nhà máy, giá của nó đã lên tới 400 ngàn đồng mà vẫn… hiếm. Vậy nên, nếu so với các dự án thủy điện có cùng quy mô khác thì suất đầu tư của Nậm Cắt lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, những kết quả PV Power Bắc Kạn đã đạt được trong 3 năm qua tuy khiêm tốn so với các công trình, dự án điện khác nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh cụ thể của Nậm Cắt thì lại rất đáng ghi nhận. Đó là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể, cán bộ, công nhân viên và đặc biệt nó đã thể hiện sự đúng đắn, hiệu quả trong các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu của PV Power Bắc Kạn.

Ước mơ tự lực

Tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư là một trong những chủ trương lớn của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Và với riêng PV Power Bắc Kạn, tiết giảm chi phí không phải đơn thuần là vấn đề giảm nhân sự ở một vài bộ phận, hay cắt giảm khoản chi này, khoản chi kia mà phải làm sao vẫn những con người ấy, chi phí ấy nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. Phần việc nào mình có thể tự làm, tự triển khai thi công thì cố gắng mà làm, cố gắng mà học. Ví như các đợt duy tu, bảo dưỡng nhỏ chẳng hạn, nếu như mình không tự làm được mà phải thuê đơn vị ngoài vào thì sẽ rất mất thời gian, có khi kéo dài đến vài ngày. Trong khi đó, làm thủy điện thì máy nghỉ tức là không có tiền. Còn nếu mình làm được, thứ nhất là không mất tiền thuê và thứ hai là tự chủ được thời gian sửa chữa nên có thể tận dụng tối đa thời gian phát điện vào giờ cao điểm.

Không chỉ tự chủ trong quá trình quản lý, vận hành nhà máy, những người dầu khí làm điện của PV Power Bắc Kạn còn đang ấp ủ chế tạo, sản xuất ra những linh phụ kiện thay thế cho các nhà máy thủy điện trong nước. Hệ thống điều khiển kích từ máy phát điện cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ (công suất tổ máy lên đến 30MW) do các cán bộ, kỹ sư công ty nghiên cứu là một trong số đó.

Thông tin về sản phẩm này, ông Đàm Đức Thông cho hay, hiện nay các hệ thống kích từ máy phát trong các nhà máy thủy điện tại Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nước ngoài. Đặc biệt tại các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thì hầu như 100% nhập khẩu từ Trung Quốc với giá thành cao, việc lắp đặt, hiệu chỉnh, vận hành thử nghiệm đều phải dựa vào chuyên gia nước ngoài nên chi phí rất lớn. Chính vì phụ thuộc vào hàng nhập khẩu nên đã có không ít nhà máy khi gặp sự cố về hệ thống kích từ này đã phải chờ đợi nhiều ngày nhờ sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Xuất phát từ thực tế trên, PV Power Bắc Kạn với đội ngũ cán bộ, kỹ thuật dày dặn kinh nghiệm đã quyết định nghiên cứu, chế tạo hệ thống kích từ mang thương hiệu của ngành Dầu khí.

“Đề tài này đã được Hội đồng Khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá cao và đã đưa vào danh sách các đề tài nghiên cứu của Tập đoàn. Và chắc chắn rằng, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, việc nghiên cứu, chế tạo hệ thống kích từ trong nhà máy thủy điện vừa và nhỏ của PV Power Bắc Kạn chắc chắn sẽ thành công. Điều này không những giúp Nậm Cắt tự chủ được trong việc thay thế, lắp đặt, vận hành loại thiết bị này mà còn có thể mở rộng sản xuất với số lượng lớn, bán cho các nhà máy thủy điện trong và ngoài nước, từ đó tăng doanh thu” – anh Thông nhấn mạnh.

Theo báo cáo sản xuất kinh doanh năm 2014 của PV Power Bắc Kạn, năm 2014, công ty đã hoàn thành kế hoạch được giao trước 90 ngày và kết thúc năm đã hoàn thành vượt mức xuất sắc tất cả các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cụ thể:

– Sản lượng điện thương mại đạt 16,75 triệu KWh đạt 135% kế hoạch năm;

– Doanh thu trước thuế đạt 15,5 tỉ đồng đạt 112% kế hoạch điều chỉnh tăng và đạt 143% kế hoạch so với kế hoạch được giao đầu năm giao đầu năm.

– Số giờ chạy máy tính toán đạt gần 5.400 giờ, vượt gần 140% so với tính toán trong báo cáo thủy văn kinh tế năng lượng.

(Theo Năng lượng mới)